Văn hóa[4] Đông Phương, Đông Hưng

Theo cuốn “Nhận diện văn hóa làng Thái Bình - Nguyễn Thanh- Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà nội - 2010”, Hoàng Xá và Hoàng Quan là 2 trong tổng số 25 làng của huyện Đông Hưng xưa được xếp vào danh sách những “Làng văn hóa, văn hiến tiêu biểu của Thái Bình”.

Trải qua các triều đại phong kiến, toàn huyện Đông Hưng có 13 vị đỗ đại khoa trong đó Đông Phương có hai vị. Đặc biệt, họ Phạm ở Đông Phương từ xưa đã có nhiều người hiển đạt khoa danh, nổi tiếng là dòng họ hiếu học ở Thái Bình, tiêu biểu là Tiến sĩ Phạm Công Huân.

Phạm Công Huân vốn tên là Phạm Quang Huân, khi đi thi đổi tên là Công Huân. Ông sinh năm 1651 tại xã Hoàng Xá tổng Hoàng Quan huyện Đông Quan. Sử chép rằng, qua nhiều đời, dòng dõi họ Phạm ở Hoàng Xá đã từng làm quan trong triều, ngoài trấn. Cha Phạm Quang Huân là Phạm Phúc Độ cũng đỗ Tam Trường và làm quan tới hàm Đại phu. Phạm Quang Huân nổi tiếng thông minh và ham học. Năm 46 tuổi ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, khoa Đinh Sửu đời Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ 18 (1697). Phạm Công Huân lần lượt giữ chức Đốc đồng Hải Đông, sau chuyển làm Đốc trấn An Bang. Ông được đánh giá là một vị quan thanh liêm, chính trực, hết lòng lo cho dân, chăm lo sản xuất, giảm bớt phu phen tạp dịch. Dân trong vùng rất biết ơn ông. Vùng đất ông cai quản không có tệ tham nhũng, ức hiếp dân; suốt giải duyên hải không có cướp biển, miền núi không có phỉ, dân sống yên ổn. Vua Lê Hy Tông nhận xét: “Phạm quả là người hiền lương đáng được cất nhắc song đảm đương một vùng đông bắc liệu trọng thần các bộ đã mấy ai lo được”. Vì vậy, tuy ông chỉ ở chức Đốc trấn nhưng được phong tước Vĩnh Lộc đại phu, được bàn việc nước. Năm 67 tuổi, ông xin về nghỉ hưu, sau mất tại quê nhà làng Hoàng Xá. Đền thờ ông nay vẫn còn.

Cháu ngoại của Phạm Công Huân là Phạm Công Thế sinh năm 1702. Tại khoa thi Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái thứ 8 (1727), ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khi mới 25 tuổi.

Phạm Công Thế xã Hoàng Xá tổng Hoàng Quan vốn gốc họ Nguyễn ở xã Phúc Khê huyện Thanh Lan nay là xã Thái Phúc (Thái Thụy). Ông được ông ngoại là Tiến sĩ Phạm Công Huân nuôi dạy từ nhỏ. Khi đi thi lấy họ mẹ nên có tên là Phạm Công Thế.

Sau khi thi đỗ, ông được bổ nhiệm giữ chức Đông các hiệu thư ở Viện Hàn lâm. Năm Mậu Ngọ (1738), phẫn nộ trước việc chúa Trịnh Giang lấn át vua Lê, phế vua này lập vua khác, xã hội bất ổn, nhân dân lầm than, ông đã cùng một số đại thần trong triều phò các hoàng thân Lê Duy Mật, Lê Duy Chúc... nổi dậy mưu đốt kinh thành. Sự việc bại lộ, một số người chạy ra ngoài thành tiếp tục khởi nghĩa, một số bị bắt trong đó có Phạm Công Thế. Trước khi bị giết, một số quan đại thần trong triều có người quở trách: “Nhà ngươi là người trong khoa giáp làm sao lại đi theo bọn phản nghịch”. Trước những lời nhạo báng đó, Phạm Thế Công chỉ cười mà nói: “Danh phận không sáng tỏ từ lâu rồi, còn phân biệt thế nào là thuận với nghịch được nữa”. Sau đó ông đã vươn cổ chịu chém không một chút nao núng. Để ghi nhớ công lao của ông, hiện nay từ đường Phạm Công Thế vẫn còn lưu giữ tại xã Đông Phương.

Ngoài các vị đỗ đại khoa, trong thời phong kiến, Đông Phương còn có cụ Tú Tưởng đỗ tú tài, cụ Nhất Hương đỗ nhất trường cùng hằng chục cụ đỗ khóa sinh. Nối tiếp truyền thống của quê hương, trong thời đại mới, nhiều người con Đông Phương đã nỗ lực vượt khó, đỗ đạt thành danh, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng, có nhiều đóng góp cho đất nước.

Đông Phương xưa còn nổi tiếng là vùng quê lưu giữ những giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc, tiêu biểu hát ca trù và hát chèo. 

Hát ca trù tiền thân là ả đào bởi nghệ nhân là nữ. Cho đến nay, các sách về văn hóa dân gian vẫn xác định bà Đào Nương làng Vàng (Đông Phương) là nghệ nhân đầu tiên được biết đến của nghệ thuật ca trù. Không ai biết tên thật của bà Đào Nương mà chỉ gọi bà theo cái tên nghề nghiệp: Có người gọi là bà Đầu, có người gọi là bà Đào theo nghĩa đào hát hoặc hát ả đào. Truyền thuyết kể rằng, làng Vàng xưa đồng ruộng còn hoang hóa, bà về khuyến dân cày cấy, có công đào hai con ngòi dẫn nước vào đồng, một từ bến Vàng vào làng, một từ sông Diêm vào quán Bán. Khi làng xóm đã đông đúc, đồng ruộng đã tốt tươi bà lại dạy dân hát ả đào, hát chèo. Một lần quân triều về làng (xưa làng Vàng có đường ngự giá, đồng quân) bà đã hát trong quân. 

Vào một ngày, hôm ấy là 15/4 bà lội xuống giếng rồi biến mất. Khi dân làng đến chỉ còn thấy chữ bà ghi lại trên thành giếng: “Vũ mao biến hoá nguyệt trung thiên- Phảng phất nghê đình phi ngọc điện” (Nghĩa là người con gái đẹp đã về chốn cung trăng ở giữa trời. Điệu múa, tiếng ca, tiếng nhạc chỉ còn thấy ở nơi thờ cúng.) 

Sau khi bà mất, bà đã hiển linh nên dân làng lập đền thờ và tôn bà là thành hoàng. Các triều sau đều có sắc phong thần cho bà, bà được gọi là “Cầm bà thi nữ” (người đàn bà đàn ngọt hát hay), phong bà làm thượng đẳng thần.

Từ ngày bà mất, hàng năm dân làng thường mở hội từ 15 đến 20/4. Hội làng bao giờ cũng có hát chèo, hát ca trù. Riêng tối 15/4 (ngày bà mất), các đào, kép, các gánh hát phải về lễ, lễ xong thì hát, diễn. Khi được giao vai diễn “con hát” phải vào lễ thánh, xin âm dương, nếu được thánh ưng chuẩn mới được nhập vai, được diễn. Lời giáo trò bao giờ cũng có câu:

“Thanh thanh văn vật đất Hoàng Quan (tên tổng, xã thời Lê)

Người thì đã đẹp cảnh lại thanh

Người đã đẹp, đẹp thêm thanh sắc

Ba miếu hai đình phụng sự tối anh linh”.

Từ xưa, Đông Phương đã là đất ca hát. Các tiết mục ca trù, chèo, tuồng một thời đã là món ăn tinh thần quan trọng của người dân trong xã. Dân làng Hoàng Quan còn nhớ làng từng có gánh hát Chánh hội Nho, Nguyễn Như Đồi, Nguyễn Hữu Còm. Người hát nhà tơ nổi tiếng đẹp người, đàn hay hát giỏi có bà Hoàng Thị Nhẫn, từng đi hát tứ xứ. Thời Đinh, vua Đinh Tiên Hoàng đã về làng Vàng và thăm đền. Xưa bà Đào Nương còn được thờ ở đền Bách thần của phủ Thái Ninh (phủ Châu Giang).

Truyền thống văn hóa của mảnh đất, con người Đông Phương còn được thể hiện đậm nét qua các lễ nghi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo và các sinh hoạt động đồng.

Hiện nay, ở Đông Phương có hai tôn giáo là Phật giáo và Thiên chúa giáo. Đạo Phật theo hệ phái Bắc tông đã được du nhập vào vùng đất Đông Phương cùng với quá trình hội cư, lập xóm dựng làng. Xã Đông Phương hiện có 4 chùa gồm: Chùa Hầu, chùa Vực, chùa Linh Sơn và chùa Phúc Lộc.

Từ thế kỷ XVIII, đạo Thiên chúa được du nhập vào Đông Phương. Hiện nay, toàn xã có 1180 giáo dân thuộc 295 hộ gia đình, chiếm 12,1% dân số trong xã. Giáo dân sinh hoạt tôn giáo ở giáo xứ Phương Xá, giáo họ Phương Quan (thuộc giáo xứ Phương Xá) và có 01 dòng tu Đa Minh.

Về tín ngưỡng: Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng lâu đời nhất của người dân Đông Phương, được bắt nguồn từ niềm tin của người dân rằng tổ tiên linh thiêng tuy đã đi về thế giới bên kia nhưng vẫn sống cạnh, phù hộ cho con cháu. Ở Đông Phương, hầu hết các gia đình đều có bàn thờ gia tiên đặt ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình. 13 dòng họ, chi họ đã xây dựng được từ đường, nhà thờ họ. Đây là tục lệ tốt đẹp, là biểu hiện của lòng hiếu thảo, biết ơn, tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của tiền nhân, nhớ đến cội nguồn... Gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nhiều dòng họ đã ghi gia phả dòng họ và ngày giỗ tổ của dòng họ đã trở thành dịp để con cháu trong dòng tộc sum họp, củng cố mối quan hệ thân tộc. 

Các làng trong xã còn có tục thờ Thành hoàng - thần hộ mệnh của cộng đồng làng xã. Tục thờ Thành hoàng ở Đông Phương đã có từ lâu, các vị thần được thờ chủ yếu là nhân thần có công với làng với nước. Các vị thần được thờ ở 4 đình, đền: Đình Lưu, đền đá Quốc Tuấn, đền Thượng và đền thờ hai chúa tại khu vực chùa Hầu. Trong đó Đình Lưu đã được công nhận là Di tích lịch sử Văn hoá quốc gia. Đền đá Quốc Tuấn và đền Thượng được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Hằng năm tại các khu di tích đều mở lễ hội truyền thống với nhiều nghi thức cúng tế cổ truyền và nhiều trò chơi dân gian đặc sắc.